Cách Yêu Cầu Giúp Đỡ

Nhận hỗ trợ tâm lý và tình cảm

Bạn không đơn độc. Hãy liên hệ với Đường Dây Nóng Bảo Vệ Trẻ Em Việt Nam 24/7 để nhận trợ giúp.

Truy cập Đường Dây Nóng Bảo Vệ Trẻ Em Việt Nam để tìm hiểu thêm

Nếu bạn hoặc ai khác đang gặp nguy hiểm, hãy gọi 113.

  • Thiết bị của bạn làm mờ hình ảnh và video bạn nhận được hoặc cố gửi đi có hiển thị những bộ phận nhạy cảm của cơ thể. Sau khi hình ảnh được chia sẻ lên mạng, bạn sẽ không thể kiểm soát ai nhìn thấy ảnh đó được nữa. Hình ảnh khỏa thân có thể bị lợi dụng để làm hại mọi người, kể cả bạn. 

    Tôi nhận được một hình ảnh hoặc video bị làm mờ. Tôi phải làm gì?

    • Nếu bạn nhận được một hình ảnh hoặc video bị làm mờ, đừng mở lên xem. Hãy đưa thiết bị của bạn cho một người lớn mà bạn tin cậy. Nếu bạn mở lên và nội dung đó khiến bạn cảm thấy không thoải mái, hãy nói với một người lớn đáng tin cậy. 

    Tôi đang suy nghĩ về việc gửi đi một hình ảnh hoặc video. Tôi có nên làm vậy không?

    Trước khi bạn gửi ảnh hoặc video, hãy dừng lại và tự hỏi bản thân:

    • “Hình ảnh hoặc video đó đã vượt qua bài “Kiểm Tra Áo Tắm” chưa? Các bộ phận nhạy cảm của mình đã được che chưa?” Nếu câu trả lời là chưa, đừng gửi hình ảnh hoặc video đó.
    • “Có ai đang gây áp lực để mình phải gửi ảnh hoặc video khiến mình cảm thấy không thoải mái không?” Người đó có thể đang cố làm hại bạn. Hãy kể với một người lớn đáng tin cậy.
    • “Liệu gia đình mình có đồng ý chuyện mình gửi hình ảnh hoặc video này không? Liệu mình có thấy ổn nếu mọi người đều nhìn thấy hình ảnh hoặc video này không?” Sau khi chia sẻ hình ảnh hoặc video với người khác, bạn sẽ không thể kiểm soát những ai có thể nhìn thấy ảnh hoặc video đó được nữa.

Tìm hiểu thêm

  • Để giữ an toàn trên mạng:

    • Hỏi cha mẹ trước khi tải về hoặc cài đặt ứng dụng hay trò chơi, thực hiện giao dịch mua hàng hoặc truy cập trang web lần đầu tiên.
    • Mời cha mẹ thử dùng những ứng dụng và trò chơi bạn yêu thích để họ có thể hiểu được bạn thích gì và lý do tại sao.
    • Giữ bí mật thông tin cá nhân, chẳng hạn như địa chỉ nhà bạn. Và đừng bao giờ chia sẻ mật khẩu với ai khác ngoài cha mẹ.
    • Chỉ nói chuyện với những người mà bạn biết ngoài đời thực.
    • Thành thật trả lời đúng tuổi của bạn khi đăng ký ứng dụng và trò chơi.
    • Xem lại các mục cài đặt quyền riêng tư trong ứng dụng và trò chơi để hạn chế mọi người nhìn thấy thông tin của bạn. Cha mẹ có thể giúp bạn quyết định đâu là tùy chọn cài đặt tốt nhất cho bạn. 
    • Nếu có ai nói điều gì ác ý về bạn hoặc ai đó khác, hãy kể với một người lớn đáng tin cậy nhưng đừng phản ứng lại. Phản ứng lại có thể làm sự việc tệ hơn.
    • Hãy nói với người lớn đáng tin cậy nếu bạn thấy có điều gì làm bạn bối rối, sợ hãi hoặc khiến bạn cảm thấy không thoải mái.
    • Hãy đối xử tử tế với người khác trên mạng cũng như ngoài đời.
  • Một số người lợi dụng Internet để hại trẻ em. Họ có thể giả vờ kết bạn và yêu cầu bạn làm những việc không tốt cho bạn. Hành vi này được gọi là gạ gẫm. Sau đây là một số dấu hiệu.

    Người đó có thể:

    • Giả vờ tỏ ra tốt bụng để lấy lòng tin của bạn hoặc hỏi những câu hỏi về gia đình bạn.
    • Tặng và yêu cầu bạn giữ bí mật về món quà.
    • Nói chuyện về tình yêu hoặc tình dục.
    • Yêu cầu bạn giữ bí mật.
    • Cố gắng thuyết phục bạn cảm thấy thông cảm cho họ.
    • Chia sẻ hoặc gửi cho bạn hình ảnh hoặc video về những bộ phận nhạy cảm.
    • Yêu cầu bạn gửi hình ảnh hoặc video không mặc quần áo hoặc có những bộ phận nhạy cảm của bạn.
    • Khiến bạn cảm thấy như thể bạn đã làm gì đó sai.
    • Nói với bạn rằng nếu bạn nói ra thì sẽ không có ai tin bạn hoặc bạn sẽ gặp rắc rối.
    • Đe dọa làm hại bạn, gia đình bạn, thú cưng hoặc những người thân yêu khác nếu bạn nói bất cứ điều gì.

    Nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào trong đây, điều đó có nghĩa là có người đang cố làm hại bạn. Đó không phải là lỗi của bạn. Hãy nói chuyện với một người lớn mà bạn tin cậy.

  • Nếu ai đó liên tục có ác ý với bạn và những người khác trên mạng, đó chính là bạo lực mạng. Hình ảnh khỏa thân có thể được dùng làm công cụ để bắt nạt. Đó không phải là lỗi của bạn. Không ai đáng bị đối xử một cách tàn nhẫn.

    Nếu bạn đang bị bạo lực mạng:

    • Hãy giữ bình tĩnh và lạc quan. Đôi khi phản ứng tiêu cực chính là thứ mà người kia trông đợi. Phản ứng khi đang giận dữ có thể khiến cho tình hình trở nên tệ hơn.
    • Bạn không cần phải phản ứng. Nếu ai đó gửi cho bạn hình ảnh hoặc video khỏa thân hoặc bất kỳ thứ gì khiến bạn cảm thấy không thoải mái, bạn có thể tìm kiếm sự giúp đỡ.
    • Lưu lại bằng chứng. Chụp ảnh màn hình bằng chứng để một người lớn đáng tin cậy có thể hỗ trợ. 
    • Báo cáo và chặn. Nhờ một người lớn đáng tin cậy báo cáo người kia và chặn hoặc tắt thông báo về tài khoản đó.
    • Hãy chia sẻ về vấn đề này. Nếu bạn cảm thấy lo lắng, hãy nói chuyện với một người lớn đáng tin cậy hoặc nhận sự trợ giúp từ một người bạn. Hãy nhớ: Nếu bạn bị bạo lực mạng, đó không phải là lỗi của bạn.

    Nếu bạn thấy có ai đó đang bị bạo lực mạng:

    • Hãy giữ bình tĩnh và lạc quan. Tấn công người bạo lực mạng có thể khiến cho tình hình trở nên tệ hơn.
    • Hãy thể hiện sự ủng hộ của bạn. Nếu có thể, hãy gửi một tin nhắn tích cực tới nạn nhân của hành vi bạo lực mạng.